Asus K501LX – Cấu hình mạnh, màn hình Full HD
Không nằm ngoài xu hướng chung, K501LX của Asus cũng có thiết kế gọn nhẹ và tính di động linh hoạt so với những sản phẩm cùng dòng trước đây. Sản phẩm trang bị màn hình cỡ lớn độ phân giải Full HD và chỉ nặng 2,0 kg, cấu hình phần cứng nền tảng Broadwell với chip Core i7-5500U cùng card đồ họa rời tầm trung GeForce GTX 950M, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trình chiếu phim ảnh lẫn chơi game di động. Mẫu sản phẩm Tinhte thử nghiệm có giá khoảng 21 triệu đồng, bảo hành 2 năm.
Ưu điểm
- Hiệu năng tổng thể, năng lực xử lý đồ họa tốt.
- Hỗ trợ đầy đủ các cổng kết nối phổ dụng.
- Bàn phím full size, đèn nền LED.
- Hệ thống tản nhiệt hoạt động êm, hiệu quả.
Khuyết điểm
- Thời lượng dùng pin trung bình.
- Không cài sẵn Windows bản quyền.
Kiểu dáng, thiết kế
Sự thay đổi của K501LX cũng thể hiện rõ xu hướng thiết kế mỏng gọn không chỉ được nhiều hãng áp dụng riêng cho ultrabook mà cả với các dòng sản phẩm thông thường. Vẻ ngoài K501LX mang nhiều nét tương đồng những sản phẩm cùng dòng trước đây với thiết kế mỏng dần về phía trước mang lại cảm giác mỏng nhẹ hơn, sử dụng chất liệu hợp kim nhôm tông xám lông chuột ít bám bẩn và để lại dấu tay.
Điểm cộng trong thiết kế mẫu laptop mới của Asus là hệ thống tản nhiệt card đồ họa và bộ xử lý thiết kế riêng giúp việc làm mát hiệu quả và giảm thiểu tiếng ồn khi hoạt động. Luồng không khí lấy vào qua bề mặt bàn phím, sau khi làm mát linh kiện phần cứng bên trong sẽ được đẩy ra ngoài ở mặt sau qua các khe thoát gió.
Phần “động cơ” cũng được nâng cấp với chip bốn nhân Broadwell Core i7-5500U có khả năng tăng tốc lên mức 3,0GHz nhờ công nghệ Turbo Boost, bộ nhớ DDR3 dung lượng 8GB cùng card đồ họa rời tầm trung GeForce GTX 950M. Bộ loa 2.0 hỗ trợ công nghệ âm thanh SonicMaster, thiết kế màng loa hướng xuống tạo hiệu ứng cộng hưởng giúp trải rộng không gian âm nhạc hơn. Thử nghiệm thực tế cho thấy dù vẫn thiên về âm trung và cao nhưng chất âm thể hiện khá tốt, trong trẻo và chi tiết nhưng thiếu chiều sâu như phần lớn laptop khác.
Bàn phím của K501LX vẫn giữ thiết kế truyền thống, kích thước full size, kể cả các phím mũi tên điều hướng và được chia thành hai phần rõ rệt gồm nhóm phím cơ bản (qwerty) bên trái và nhóm phím số (numpad) bên phải tiện dụng hơn cho việc nhập số liệu trong công việc liên quan đến tài chính, kế toán. Phím nhấn khá êm, quãng di chuyển ngắn và độ đàn hồi tốt đủ để mang lại cảm giác phím khi gõ văn bản với tốc độ nhanh mà không sợ nhầm. Điểm cộng của bàn phím là tích hợp đèn nền LED giúp dễ dàng định vị những phím cần thiết trong môi trường thiếu sáng.
Touchpad rộng, đáp ứng tốt thao tác người dùng, cảm giác trơn mịn do độ ma sát thấp giúp trỏ chuột di chuyển chính xác, các chức năng cuộn, phóng to và xoay ảnh cũng dễ thực hiện hơn. Hai phím chức năng chuột tích hợp, phím nhấn nhẹ, dễ sử dụng.
Cổng giao tiếp, khả năng nâng cấp phần cứng
Như đề cập trên, K501LX thuộc dòng hiệu năng cao của Asus, hỗ trợ đầy đủ cổng giao tiếp, kết nối thông dụng gồm ngõ xuất hình HDMI 1.4a tiêu chuẩn, 2 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0, bộ đọc thẻ SD và ngõ cắm headphone tích hợp micro. Máy còn có các kết nối không dây như Bluetooth 4.0, Wi-Fi 802.11n và kết nối Ethernet tốc độ gigabit.
Cũng cần lưu ý là các mẫu laptop nền tảng Haswell trở về sau chỉ hỗ trợ xuất tín hiệu hình ảnh số qua ngõ DVI và HDMI do Intel đã loại bỏ ngõ VGA xuất tín hiệu analog trong chipset PCH. Ngoài ra, K501LX cũng không trang bị ổ quang gắn trong và thực tế cho thấy việc này ít ảnh hưởng đến tính tiện dụng và thói quen của người dùng.
Về khả năng nâng cấp, thay thế linh kiện phần cứng cũng khó thực hiện do phải tháo toàn bộ nắp bảo vệ mặt dưới, đòi hỏi người dùng phải có sự am hiểu nhất định về phần cứng máy tính. Dù vậy, thực tế cho thấy với cấu hình mặc định khi xuất xưởng đủ đáp ứng tốt hầu hết nhu cầu người dùng nên việc nâng cấp là không cần thiết.
Màn hình
K501LX trang bị màn hình LCD 15,6 inch độ phân giải Full HD 1.920 x 1.080 pixel, panel IPS mang lại khả năng tái tạo màu sắc gần với thực tế hơn, hình ảnh hiển thị sắc nét và ít bị chói sáng. Công nghệ Splendid với các profile định sẵn tăng cường chất lượng màu sắc, cho phép chọn nhanh chế độ hiển thị tùy nhu cầu sử dụng.
Thử nghiệm thực tế trong môi trường văn phòng cho thấy hình ảnh hiển thị sắc nét, tươi sáng, các bước chuyển màu, mức độ sáng tối cũng như sắc xám và trắng dễ phân biệt, mang lại cảm giác dễ chịu khi làm việc với bộ ứng dụng văn phòng cài sẵn trên máy. Tuy nhiên với độ sáng và độ tương phản tiêu chuẩn chỉ ở mức trung bình nên khó có thể nhìn rõ nội dung hiển thị trên màn hình khi sử dụng ngoài trời hoặc nơi có ánh sáng mạnh, góc nhìn dọc hẹp hơn đáng kể so với khi nhìn ngang.
Đánh giá hiệu năng
Thử nghiệm với cấu hình phần cứng gồm chip Core i7-5500U (2,4 – 3GHz, 4MB smart cache, 15W), đồ họa rời GeForce GTX 950M với 2GB bộ nhớ đồ họa GDDR3, 8GB RAM DDR3 bus 1.600MHz cùng hệ thống lưu trữ kết hợp giữa SSD hiệu suất cao và HDD truyền thống đáp ứng nhu cầu lưu trữ nội dung số, nhất là những dữ liệu dung lượng lớn như phim ảnh độ nét cao và các tựa game nặng.
Kết quả bên dưới cho thấy sức mạnh của Asus K501LX khi hoàn tất những phép thử Tinhte đặt ra ở độ phân giải 1.280 x 720 pixel với những điểm số cao, thậm chí nhỉnh hơn một chút so với mẫu GL552J thuộc nhóm sản phẩm ROG (Republic Of Gamers) dành riêng cho game thủ.
Cụ thể với PCMark 8 đánh giá hiệu năng tổng thể, cấu hình thử nghiệm đạt 3.369 điểm trong phép thử Home và 4.031 điểm trong phép thử Creative, so với ROG GL552J của cùng hãng (chip Core i5-4200H, đồ họa rời Nvidia 95M) lần lượt là 3.383 điểm và 3.663 điểm. Trong phép thử đồ họa 3DMark Cloud Gate, mẫu laptop đạt 19.370 điểm Graphics, 3.459 điểm Physics và hiệu năng tổng thể là 9.578 điểm.
Với các game thử nghiệm gồm Alien vs. Predator, Tom Raider và Thief để kiểm tra khả năng “chiến” game ở độ phân giải HD 720p với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất. Lúc này sức mạnh mẫu card đồ họa tầm trung GTX 950M tiếp tục được khẳng định qua số khung hình/giây (fps) đạt được luôn cao hơn mức chuẩn 30 fps. Tuy nhiên khi thử nâng độ phân giải lên mức 1.920 x 1.080 pixel, kết quả các công cụ benchmark đạt được giảm đáng kể và đây cũng là “mẫu số chung” của dòng GPU di dộng tầm trung dưới gánh nặng xử lý số điểm ảnh cao gấp 2,25 lần so với độ phân giải chuẩn HD 720p.
Về thời gian dùng pin ghi nhận qua phép thử PCMark 8 Home với cấu hình máy chế độ High Performance và độ sáng màn hình giảm còn 40% (tương đương chế độ dùng pin), thời lượng sử dụng liên tục của máy đạt khoảng 2 giờ 22 phút, tương đương với mức trung bình của một số mẫu laptop chơi game mà Tinhte từng có dịp dùng thử.