Chúng không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng đã chọn cách sống làm giang hồ ngay từ những ngày chập chững vào đời.
Chúng không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng đã chọn cách sống làm giang hồ ngay từ những ngày chập chững vào đời.
Tuổi giang hồ của những đứa trẻ chúng tôi từng tiếp xúc cao nhất mới 15, nhỏ nhất vừa bằng tuổi học sinh lớp một.
Ở cái ngưỡng đẹp nhất của tuổi thơ, chúng đã lăn lộn không biết mệt mỏi ngoài đời, ngày đêm toan tính, lừa lọc, dối trá…
1. Thật khó để chúng tôi tiếp cận những đứa trẻ này, chúng không ngại “đụng chạm” và chúng kênh kiệu, trâng tráo, ngỗ ngược với bất cứ ai.
Được một tình nguyện viên xã hội giới thiệu, Thắng (15 tuổi) đại ca của nhóm giang hồ cầu Ông Lãnh chấp nhận nói chuyện với chúng tôi. Cuộc gặp diễn ra dưới gầm cầu trong một buổi chiều mưa lụt lội.
Thắng người nhỏ thó, đen đúa, mặt choắt lại nhưng tỏ vẻ rắn rỏi, cứng cáp. Thắng nói chuyện bằng giọng ngang tàng, không vâng không dạ.
Địa bàn hoạt động của nhóm lấy trọng tâm là cầu Ông Lãnh, cũng là nơi ngả lưng mỗi khi đêm về. Nhóm của Thắng có 5 đứa, lấy nghề đánh giày, vé số trá hình còn nghề chính là móc túi, ăn trộm.
Thắng không biết quê quán của mình ở đâu. Bố đi tù từ năm lên 8 tuổi vì tội mua bán ma túy. Còn mẹ thì chưa bao giờ nhìn thấy mặt. Sau khi xa bố, Thắng ở với ông bà nội.
Biết hoàn cảnh của nó, mấy anh chị tình nguyện viên xã hội gửi vào lớp học tình thương của một bà giáo ở quận 7. Đang học dở lớp một thì đánh nhau với bạn, về nhà ông bà chửi nhiều quá, Thắng chán bỏ nhà đi “bụi”.
Lúc đầu Thắng phục dưới trướng của một đàn anh tên Tèo “thọt” ở khu vực Chợ Lớn. Đàn anh huấn luyện Thắng nghề đánh giày, mỗi ngày giao chỉ tiêu 100 ngàn đồng mang về, không đủ sẽ bị ăn đòn tím mặt.
Áp lực định mức quá khó khăn với một đứa mới vào nghề, chưa biết làm gì nên nó nghĩ ra cách ăn trộm đồ bán để bù tiền “khoán” cho đủ, để đỡ phải nếm mùi “tím thịt”.
Duy trì được gần một năm, trong một lần sơ sẩy, nó bị người ta bắt quả tang “rần” cho một trận nhừ tử. Nó van xin khóc lóc ngất lên ngất xuống cuối cùng người ta cũng thả. Lết thân về “lãnh địa” nộp mình cho đại ca, Thắng ăn thêm trận đòn nữa.
Cảm thấy chốn giang hồ quá hiểm ác, Thắng mò về nhà ẩn dật một thời gian. Ông bà nội già yếu không lo gì được cho cháu, chỉ vài ngày nằm đói rã rời, Thắng lao ra đường tìm đủ mọi cách để có cái ăn.
Từ đó, Thắng trấn giữ lãnh địa cầu Ông Lãnh, mỗi ngày thu nhận thêm đệ tử quy phục. Để chính danh hoạt động, Thắng dạy đàn em đánh giày và không áp mức khoán như mấy đại ca ở Chợ Lớn.
Tiền làm được đủ cho chúng ăn no mỗi ngày, còn muốn ăn sang hoặc đi chơi thì phải sử dụng nghề tay trái “hai ngón”.
Đàn em của Thắng thành thục các mánh khóe, ăn trộm chuyên nghiệp, chỉ họa hoằn lắm mới gặp tai nạn nghề nghiệp, cùng lắm là ăn đòn một trận rồi thôi. Lì đòn và lì lợm là hai đặc điểm nổi bật của băng nhóm giang hồ nhí này.
Thắng cho biết, hai năm trở lại đây có quen với đàn anh ở khu vực cầu Bình Triệu (Thủ Đức) và được thưởng thức món hàng “hít hà” rất thú vị. Gặng hỏi mãi Thắng mới tiết lộ đó là keo chó. Về góc độ pháp luật, loại keo này là loại dung môi hữu cơ dùng để dán gỗ, kính, sắt, ống nước, giày da, yên xe máy… có tiền chất ma túy, kích thích trực tiếp đến hệ thần kinh nhưng không được xem là ma túy.
Người hít keo chó cũng có cảm giác say, lâng lâng, không kiểm soát được các hành vi của bản thân… Loại này có giá thành rẻ, một hộp keo nhỏ 100ml chỉ từ 18 – 20 ngàn đồng mà vẫn có được cảm giác “đê mê” tương tự ma túy. Keo có màu hơi vàng và có pha mùi xăng thơm.
Thắng giải thích: “Bọn em không có tiền chơi sang, hít cái này để quên đi buồn chán. Mỗi ngày chơi hết vài chục ngàn thôi”. Để tồn tại trong giới giang hồ, Thắng chỉ đạo đàn em sẵn sàng “xả thân” cho các cuộc đụng độ. Vì thế, chúng chẳng sợ ai trên đời, ngổ ngáo, bất cần với cả người lớn.
Ban ngày, băng nhóm của Thắng tỏa đi kiếm ăn khắp nơi, đêm về tụ tập dười gầm cầu ngủ. Bây giờ đang là mùa mưa, chúng chỉ việc lao ra giữa trời vẫy vùng, lột sạch bụi bẩn trên chiếc áo giang hồ. Vậy là xong cho vài ngày tắm.
Thời gian gần đây, bị cơ quan chức năng mang xe đi “hốt” nên nhóm chạy lên trên cầu, dạt sang phía quận 4 trú thân. Lợi dụng địa bàn giáp ranh, chúng cứ lẩn quẩn như ma đêm hết ngày này sang tháng khác.
Cảm giác cuộc sống chợ trời quá chông chênh, hiểm nguy, Thắng cho biết, khi nào đủ 18 tuổi sẽ làm giấy Chứng minh nhân dân và thuê nhà trọ ở cho đàng hoàng. Lúc ấy có muốn quen bạn gái cũng tự tin và làm gì cũng được người ta thừa nhận.
2. Chúng tôi nhờ Thắng dẫn qua khu vực đàn anh ở cầu Bình Triệu, Thắng lắc đầu nguây nguẩy: “Bên đó dữ lắm, người lạ qua là bị “xử” liền”. Thắng chỉ vào cánh tay có vết sẹo dài lòi thịt cho biết, đây là “thành quả” sau một cuộc đụng độ với giang hồ Bình Triệu.
Theo một tình nguyện viên xã hội, ở Bình Triệu có một nhóm nhóc choai choai con của những người lao động nghèo bỏ nhà đi lang thang, bụi đời hay tụ tập ở gầm cầu vào ban đêm hít keo chó.
Nhóm này đông đảo hơn nhóm cầu Ông Lãnh, có cả dân anh chị 18 – 20 tuổi tiếp tay. Chúng chủ yếu đi câu cá câu tôm bán lấy tiền chơi, khi có cơ hội cũng có thể ăn trộm, móc túi. Qua 12 giờ đêm là tản mát đi đâu hết không còn tụ tập nữa, nên rất khó để tiếp xúc.
Được Thắng chỉ điểm cho một giang hồ tên Tâm “đen”, ở cùng mẹ gần cầu Gò Dưa, chúng tôi đến thẳng phòng trọ của hai mẹ con Tâm “đen”. Tâm ở nhà một mình, vừa thấy người lạ, Tâm trố mắt kinh ngạc, tỏ ra rụt rè, bối rối.
Khác hẳn với lời giới thiệu của Thắng, rằng Tâm “đen” láu cá và rất manh động. Gặp Tâm chúng tôi mới hiểu, manh động theo kiểu giang hồ vặt thì chỉ có xấc xược, đầu trộm đuôi cướp và cũng chỉ hăm he mấy đứa em út mới vào nghề.
Tâm “đen” ra dáng là một đứa nhóc từng trải. 12 tuổi, nó có thể kể vanh vách những chuyện đời sống gầm cầu, những cuộc chơi mà nó từng tham gia, cả những chiêu thức “làm ăn” của cánh anh chị. Tâm khiêm tốn kể, nó theo mẹ từ Bình Dương lên đây sống. Lúc đầu đi bán vé số, sau đó gặp được mấy đứa trẻ cùng cảnh ngộ.
Chúng thường rủ rê qua cầu Bình Triệu chơi, cho hít thử keo. Lần đầu hít đau đầu chóng mặt, buồn nôn ghê lắm. Nó chẳng thiết tha gì cái thứ nước sơn hắc ám ấy. Nhưng ngày nào cũng ghé “trạm” ngồi chơi, hít mãi thành quen mùi, nó nghiện lúc nào không hay biết.
Tiền kiếm được nó trích ra mua keo, rồi tập uống rượu nữa. Mẹ đi làm tối mới về nên không hề nhận biết dấu hiệu nghiện ngập của con.
Nghe kể thì mẹ Tâm làm gì mà toàn đi vào ban đêm, con cái sống chết ra sao không mấy quan tâm. Tâm “đen” từng bỏ nhà đi bụi một tuần, gia nhập cùng nhóm giang hồ “ăn đêm” và chơi keo.
Sau này gặp cánh anh chị cho chơi cái bột gì đó màu trắng, Tâm không chơi thì bị đánh. Mấy đứa bạn kể, chơi cái này có thể mất mạng lúc nào không biết nên Tâm sợ, lảng tránh dần.
Nghe Tâm kể chúng tôi cũng chỉ nghe thôi, bởi những đứa đã nanh nọc trong chốn giang hồ, dù chỉ là giang hồ vắt mũi chưa sạch nhưng tâm tính và suy nghĩ của chúng đã đạt tới mức nguy hiểm.
Tâm còn bật mí thêm, tháng “cô hồn” vừa rồi là tháng làm ăn được nhất của nhóm. Chúng đi ăn cướp một cách danh chính ngôn thuận, cướp từ tiền đến đồ ăn thức uống.
Chúng sử dụng nhiều chiêu thức, mánh khóe để thực hiện trót lọt và thành công những vụ cướp cô hồn. Tâm kể: “Một đứa đi “ngửi” nhà nào hoặc công ty nào thật giàu chuẩn bị cúng.
Trong lễ cúng sẽ có heo quay và màn rải tiền. Công việc tiền trạm xong thì về bàn kế hoạch. Nhóm cử ra 3 đứa, một cướp tiền, một cướp heo quay và một dùng xảo thuật khống chế các đối tượng cướp giật không chuyên khác. Xảo thuật ở đây là dùng thanh sắt nhọn ở phía sau cứ thế mà đâm”.
Tiền cướp được chúng chia nhau, còn heo quay, vịt quay thì mang về điểm tập kết xẻ ra ăn nhậu rồi chơi keo, phủ phê, mê mệt cho đến đêm khuya.
Hiện nay, tội phạm ở tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng. Thực tế cho thấy nhiều vụ án nghiêm trọng có liên quan đến những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi. Thắng, Tâm và nhiều giang hồ nhí khác nữa có thể gây ra tội ác lúc nào không hay, khi mà nền móng cuộc đời được bắt đầu từ thói hư tật xấu và lối sống buông thả.