Công nghệ nhận diện khuôn mặt

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp phát gạo trong 15 giây

HÀ NỘINhờ nhận diện khuôn mặt, Đại học Kinh tế Quốc dân có thể đẩy nhanh việc phát gạo từ thiện trong 15-20 giây, giúp hàng nghìn người mỗi ngày.

Công nghệ này đang triển khai tại điểm phát gạo từ thiện Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, do các cán bộ CNTT của trường thực hiện. Theo Tiến sĩ Lê Việt Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, hệ thống nhận diện khuôn mặt vốn đang được các kỹ sư nghiên cứu cho một dự án khác của trường. Để đáp ứng nhu cầu của chiến dịch phát gạo lần này, họ đã tối ưu lại trong hai ngày và bắt đầu triển khai từ ngày 16/4.

Hệ thống khai báo cho người đến nhận gồm một máy quét, một webcam và một màn hình chỉ dẫn, có khả năng nhận diện khuôn mặt và đưa ra thông tin về những lần lấy gạo trước đó.

Nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt, việc phát gạo cho một người diễn ra trong khoảng 15 giây mà không cần tiếp xúc gần. Người đến nhận gạo đứng trước một camera 3D, sau đó được đề nghị hé khẩu trang trong khoảng 1 giây để máy quét khuôn mặt và đối chiếu với các dữ liệu có sẵn. Nếu chưa từng đến lấy gạo, máy sẽ hiện màn hình màu xanh, nghĩa là người nhận đủ điều kiện. Còn với người từng đến nhận trong thời gian một tuần, màn hình sẽ báo màu đỏ, đồng thời hiển thị thời gian nhận gạo trước đây.

Hệ thống gồm ba màn hình máy tính, một thiết bị quét khuôn mặt và một webcam. Trong đó, hai màn hình dùng để hiển thị kết quả, giúp người vận hành và người đến nhận gạo biết mình có đủ điều kiện hay không. Một màn hình để điều khiển chung, còn webcam để ghi lại toàn bộ quá trình.

Để rút ngắn thời gian, việc ghi chép lại thông tin của người nhận cũng được thay thế bằng giọng nói. Người đến nhận gạo sẽ được hỏi về nơi cư trú và chỉ cần nói to một lần.

Việc đọc họ tên và địa chỉ giúp giảm thời gian khai báo.

Nhiều người đến lấy gạo cho biết họ “cảm thấy thoải mái hơn” khi không mất nhiều thời gian chờ đợi, khai báo; đồng thời mọi người nhận được gạo một cách công bằng. Tuy nhiên, cũng có một số người còn e ngại khi phải bỏ khẩu trang để quét mặt và “không biết họ có đăng hình lên mạng không”.

Tuy nhiên, theo một cán bộ vận hành “cây gạo”, các dữ liệu này, bao gồm khuôn mặt, lời nói sẽ được lưu trữ và bảo mật trong 21 ngày. Khuôn mặt sẽ dùng để nhận diện và đối chiếu trong những lần đến nhận gạo tiếp theo, còn lời nói (chứa thông tin về địa chỉ của người nhận) dùng để phục vụ cho việc điều tra tiền sử dịch tễ, nếu có vấn đề gì xảy ra.

Nhờ ứng dụng công nghệ, mỗi lượt phát gạo tại Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra trong khoảng 15 giây, trong đó, phần lớn thời gian là để hướng dẫn người nhận gạo đứng đúng vị trí cũng như khai báo thông tin. Việc quét khuôn mặt và báo kết quả diễn ra trong chưa đến một giây.

Kết quả thống kê cho thấy, chỉ trong ngày 16/4, điểm này đã phát được 4,19 tấn gạo tới 1,4 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn.

Thiết bị quét khuôn mặt đang được nghiên cứu để ứng dụng trong trường học, nhưng được các kỹ sư tuỳ biến lại phù hợp với dự án phát gạo này.

Theo Tiến sĩ Thuỷ, việc phát gạo được thực hiện ngoài trời, ánh sáng tốt nên việc quét khuôn mặt diễn ra khá nhanh và chính xác. “Công nghệ này có thể nhận biết 10 điểm chính trên khuôn mặt nên độ chính xác khá cao. Trong hai ngày thực hiện, chưa có trường hợp nào bị nhận diện sai”, ông Thuỷ nói thêm. Ngoài ra, công nghệ cũng giúp giảm nhân công vận hành, chỉ cần một người trực để đảm bảo hệ thống không bị gián đoạn, một người dùng micro hướng dẫn những người đến nhận và một người phát gạo.

Nhận diện khuôn mặt không phải là mới nhưng đầy là lần đầu tiên công nghệ này được ứng dụng trong công tác phát gạo từ thiện tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều người gặp khó khăn. Nhận diện giúp đẩy nhanh quá trình xác minh cũng như lưu trữ thông tin, đồng thời đảm bảo công bằng, giảm tình trạng một người nhận nhiều lần. Ngoài ra, công nghệ này khá tiềm năng. Nếu ứng dụng trong trường học, nó sẽ giúp việc điểm danh sinh viên nhanh và chính xác.