MC Phan Anh một nhân cách đáng quý , một người vì xã hội
Chỉ trong vòng 24h kêu gọi, MC Phan Anh đã nhận được 8 tỷ đồng tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung
Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, MC Phan Anh đã huy động được số tiền gần 8 tỷ đồng, gấp 16 lần con số 500 triệu anh bỏ ra ban đầu để kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ khẩn cấp đồng bào vùng lũ miền Trung. Cộng đồng ngạc nhiên bởi chưa bao giờ lời kêu gọi từ một nghệ sĩ lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Còn showbiz thì như có một cơn choáng váng.
MC Phan Anh không phải nghệ sĩ đầu tiên phát động các chiến dịch từ thiện lớn. Trong một showbiz thừa ma mãnh mà từ thiện là công cụ PR đắc lực, thì Phan Anh càng không phải cái tên hay làm từ thiện nổi bật. Anh giống như đa phần các nghệ sĩ lao động nghệ thuật chân chính khác, vừa tham gia các hoạt động tự thiện “chụp ảnh ghi hình” cùng các đơn vị, tổ chức hay nhãn hàng, vừa lặng lẽ thực hiện chia sẻ trách nhiệm xã hội bằng hoạt động cá nhân âm thầm. Có những ngôi sao sáng và chưa sáng mỗi khi đi từ thiện ở đâu đều rình rang post hình hay ý nhị post hình lên facebook. Và cũng có những nghệ sĩ ngăn cản mọi hoạt động ghi hình trong các chuyến đi trao quà từ thiện bằng tiền cá nhân. Song có lẽ, việc khoe ra hay giấu đi không phải là điều gì quan trọng, miễn là lợi ích đem đến cộng đồng là thật, hiệu quả từ thiện là thật. Người từ thiện thật tâm sẽ biết khi nào “cần im lặng” và khi nào “đừng im lặng” để chương trình từ thiện của mình đạt được hiệu quả tối ưu.
MC Phan Anh cũng từng tham gia các chương trình từ thiện cùng bạn bè nghệ sĩ
Cách đây ít lâu, NSƯT Chí Trung đã thành công khi chọn cách “đừng im lặng” cho chiến dịch nhỏ mà ý nghĩa lớn, đó là kêu gọi ủng hộ cho hai gia đình trong vụ bé trai bị tôn cứa cổ gây tử vong. Nếu chỉ xét ở góc độ vật chất, Chí Trung hoàn toàn có thể làm việc này trong im lặng với nhóm nhỏ những đồng nghiệp bạn bè thân thiết. Bởi gia đình của cháu bé không thiếu thốn về kinh tế và người cựu chiến binh cũng không khốn đốn về tiền bạc. Mục đích của Chí Trung trong chiến dịch đó thực chất là kêu gọi những trái tim lương thiện, thấu hiểu và sẻ chia, để dư luận bớt đi cơn phẫn nộ không đáng có, để xoa dịu nỗi đau đớn khôn tả của gia đình cháu bé tội nghiệp và động viên vỗ về nỗi lo lắng tủi hổ của gia đình người cựu chiến binh không may gây tai nạn. Kết quả của chiến dịch ấy không thể bất ngờ và xúc động hơn. Người cha của cháu bé đã xin miễn xử lý trách nhiệm hình sự cho người lái xích lô. Còn người lái xích lô, sau khi được tại ngoại, đã chia sẻ không muốn tiếp tục công việc này vì không muốn vô tình gây thêm một cái chết oan uổng nào nữa. Một chiến dịch không đao to búa lớn, một chiến dịch không lời hô hào đạo đức, nhưng lại nhẹ nhàng cảm hóa được đám đông lẫn người trong cuộc. Cái gì đi từ trái tim sẽ đến được với trái tim.
Bằng một chiến dịch thiện nguyện rầm rộ mà không phô trương, NSƯT Chí Trung đã góp phần tạo nên một cái kết cổ tích về tình người.
Rất nhiều nghệ sĩ showbiz chọn cách tổ chức chiến dịch vận động từ thiện theo cách “không thể im lặng”. Bởi nếu im lặng thì hiệu quả của chiến dịch không như mong muốn. Họ phải dành nhiều tiền cho các hoạt động truyền thông để lan tỏa thông điệp, thậm chí phải tổ chức những event rầm rộ để thu hút sự quan tâm của giới doanh nhân. Số tiền “vận động hành lang” ấy nhiều khi đủ để xây vài căn nhà tình nghĩa cho người nghèo. Nhưng họ vẫn phải làm bởi tiếng nói thuần túy của họ không đủ sức hấp dẫn hay lôi kéo sự chú ý đặc biệt và lâu dài vào chương trình thiện nguyện mà họ khởi xướng. Thế mới biết, sự nổi tiếng của một nghệ sĩ không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với uy tín, sức hút và sức thuyết cảm với công chúng của nghệ sĩ đó.
MC Phan Anh có thể không phải một người quá nổi tiếng. Không có fanpage, facebook cá nhân chưa đến triệu lượt theo dõi, đứng sau nhiều ngôi sao showbiz về lượng fan hâm mộ. Có chăng kể từ sau chương trình “60 phút mở”, anh được chú ý hơn nhờ kiên trì quan điểm cứng rắn “đừng im lặng” trước các vấn đề xã hội. Trong bối cảnh mà rất nhiều nghệ sĩ nói riêng và trí thức nói chung ngại ngần hoặc bàng quan, coi chuyện xã hội là chuyện người ta, không phải việc của mình hay “có nói cũng chẳng ích lợi gì”, thì hành động như Phan Anh là hiếm có.
Tưởng là chỉ có vậy, nhưng hóa ra không chỉ có vậy. Con số 8 tỷ đồng tiền quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt Quảng Bình – Hà Tĩnh chỉ sau 24 giờ phát động là một cú sốc của showbiz. Chưa nghệ sĩ nào lẫn chính khách nào huy động được số tiền lớn như thế trong một thời gian ngắn như thế cho một chiến dịch thiện nguyện khẩn cấp. (Tất nhiên là có sao kê tài khoản ngân hàng rõ ràng chứ không phải chỉ là con số báo cáo suông để “làm màu” như nhiều chương trình từ thiện trước đây.) Sốc còn bởi một nghệ sĩ không phải ông hoàng, nữ hoàng hay DIVA nhưng uy tín xã hội lại mạnh mẽ đến khó tin. Uy tín ấy chắc chắn không đến từ việc người ta tin vào khả năng ăn nói có thừa của một MC đắt show, không đến từ việc người ta thích xem Vietnam Idol hay thần tượng Bố ơi mình đi đâu thế. Nó đến từ những chính những lần “không im lặng”.
Một người không im lặng, không vô cảm, không thờ ơ trước các bất cập xã hội, trước nỗi đau của đồng loại, luôn mong muốn góp một tiếng nói phản biện để dựng xây, để tìm cách tháo gỡ, để thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn bằng hành động thiết thực thay vì chỉ ông ổng chỉ trích và than phiền, chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn, thuyết phục và cảm hóa cộng đồng.
Uy tín của Phan Anh không đến từ những chương trình anh làm “chủ trò” mà đến từ những lần “không im lặng”
Sức cảm hóa ấy lớn đến mức nó dập tắt nhiều sự đố kị cạnh tranh vốn lúc nào cũng ngấm ngầm bứt rứt trong các mối quan hệ showbiz tưởng rằng hòa nhã. Những ông bố của ba mùa “Bố ơi mình đi đâu thế” đều là những người nổi tiếng không kém Phan Anh, nhưng họ chọn cách ủng hộ đồng nghiệp, kêu gọi fan hâm mộ lẫn các mối quan hệ của mình gửi tiền vào tài khoản của Phan Anh vì mục đích chung.
Nhưng dĩ nhiên, dư luận luôn tồn tại những tiếng nói ngược chiều. Vẫn có người cho rằng Phan Anh dùng việc từ thiện này để đánh bóng tên tuổi. Bởi khi lũ lụt miền Trung xảy ra cách đây 3 ngày, hàng trăm cá nhân và tổ chức đã khởi xướng các chiến dịch quyên góp ủng hộ, trong đó có cả nghệ sĩ. Phan Anh hoàn toàn có thể lặng lẽ làm từ thiện (như anh khoe đã từng lặng lẽ làm) bằng cách chuyển 500 triệu đồng trong tài khoản ấy vào một tài khoản khác. Hay là anh sợ mình làm từ thiện bằng những nửa tỷ mà không công bố thì công chúng không biết chăng?
Trên facebook cá nhân, thay vì tự mình phát động một chiến dịch thiện nguyện riêng, nam ca sĩ Hoàng Bách chia sẻ câu chuyện ủng hộ đồng bào miền Trung của gia đình mình và kêu gọi bạn bè của mình hãy ủng hộ chiến dịch cứu trợ khẩn cấp mà Phan Anh phát động.
Đó cũng là một cách nghĩ. Nhưng nếu ai đọc kĩ từng dòng trong bài viết phát động chiến dịch củaPhan Anh, người tin anh sẽ đông hơn người nghi ngờ. Bởi cách Phan Anh đặt vấn đề cho thấy một sự khiêm nhường ít thấy. Đó là “lần này, cho tôi làm cùng mọi người”. Tự Phan Anh phủ nhận vai trò khởi xướng hay thủ lĩnh hay gì đó để chọn vai trò đồng hành. Chỉ đơn giản là tài khoản nhận tiền ủng hộ mang tên anh mà thôi. Cái tên chủ tài khoản, với phần lớn công chúng, có giá trị như một sự bảo chứng, khi niềm tin vào các tổ chức lẫn cá nhân làm từ thiện ngày càng bị mai một.
Phan Anh đang tạo ra một “trào lưu” mới trên facebook. Khắp các trang facebook của sao, người hâm mộ bắt gặp các dòng trạng thái hướng về miền Trung, kêu gọi vận động ủng hộ miền Trung bằng nhiều cách. Người ta cứ chê từ thiện theo trào lưu, nhưng chắc chắn trào lưu từ thiện hay ho, hữu ích và tạo ra hiệu ứng xã hội tốt hơn rất nhiều những trào lưu khoe quà bạn trai tặng, trào lưu khoe xế sang, trào lưu vòng tay chạm rốn hay trào lưu thách nhau mặc áo hở chân ngực nối nhau khuấy động showbiz Việt.
Và cũng nhờ Phan Anh, những khẩu hiệu đang “làm loạn” facebook như “like thì làm” “nói là làm” hay “mình thích thì mình làm thôi” chưa bao giờ lại trở nên ý nghĩa đến vậy.