Home / Tin tức / Thông tin mới của Intel về chip xữ lý thế hệ 9

Thông tin mới của Intel về chip xữ lý thế hệ 9

Sau khi gây hoang mang người dùng với “cà phê” thì hôm nay Intel tiếp tục thêm “đá” khi tiết lộ những thông tin cơ bản về dòng vi xử lý “thời kỳ hậu thế hệ 8” sẽ mang tên mã Ice Lake. Dòng vi xử lý này sẽ được sản xuất trên tiến trình 10+ nm, thay thế trực tiếp cho Coffee Lake, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm sau hoặc đầu 2019.

Đây là một động thái rất bất ngờ của Intel bởi hãng chỉ mới công bố Coffee Lake (14++ nm) và Cannon Lake (10 nm) cách đây không lâu. Như đã biết, Intel đã không còn theo chu kỳ Tick-Tock cũ nữa mà chuyển sang Process-Architecture-Optimization. Sự chuyển dịch này bắt đầu từ Broadwell (Tick – thế hệ vi xử lý đầu tiên sản xuất trên tiến trình 14 nm) sang Skylake (Tock – thay đổi vi kiến trúc) đến Kaby Lake thì đây là thế hệ vi xử lý tối ưu hóa đầu tiên (Optimization) vẫn dùng tiến trình 14 nm nhưng chuyển sang Coffee Lake thì vẫn là tối ưu hóa lần 2 với tiến trình 14++ nm thay vì thu nhỏ đế chip, như vậy Intel trì hoãn 1 node.

Chưa hết, với các tiến trình 14 > 14+ > 14++ nm thì các thế hệ vi xử lý cho desktop chuyển dịch từ Skylake đến Kaby Lake đến Coffee Lake bình thường nhưng Cannon Lake (10 nm) lại không có các phiên bản CPU cho desktop, Ice Lake (10+ nm) mới thay thế trực tiếp cho Coffee Lake. Trên laptop thì rối rắm hơn bởi trong thời gian tới, song song với các phiên bản Coffee Lake (14++ nm) thì Intel cũng sẽ ra mắt các phiên bản Cannon Lake (10 nm) và cả Coffee Lake và Cannon Lake đều được tính là thế hệ vi xử lý Core I thứ 8, Ice Lake sẽ là thứ 9. Nếu đã là thế hệ 8 thì không ngoại trừ khả năng các vi xử lý cho laptop thế hệ Cannon Lake cũng sẽ là đầu 8, chúng ta sẽ rối khi phân biệt và chọn mua.

Vậy tại sao mảng vi xử lý cho laptop lại bị chia ra với cả vi xử lý 14++ nm (Coffee Lake) và 10 nm (Cannon Lake) và tại sao vi xử lý cho desktop lại không chuyển thẳng sang 10 nm mà phải là 10+ nm (Ice Lake)? Theo những slide thuyết trình nội bộ rò rỉ từ Intel thì đây có thể là chiến lược của hãng nhưng cũng có khả năng là do giới hạn của công nghệ sản xuất.

Chúng ta cần lưu ý rằng việc đặt tên cho các tiến trình đang dần mất đi sự liên quan giữa các đặc tính của tiến trình và mật độ cũng như hiệu năng thực tế của bóng bán dẫn. Nhiều hãng sản xuất bán dẫn thường đặt tên tiến trình với con số nhỏ hơn như là một chiêu để kích cầu nhưng thực tế thế hệ chip mới vẫn có cùng kích thước với thế hệ trước, chỉ là cải tiến về mặt hiệu năng, ví dụ như tiến trình 16FF+ và 12FFN của TSMC, vẫn chung kích thước. Về phần Intel, hãng vẫn đặt tên theo đúng kích thước, chỉ thêm các yếu tố + và ++ để ám chỉ rằng thế hệ chip đó được cải tiến ra làm sao.

Ban đầu Intel dự đoán rằng hãng sẽ sớm chuyển sang tiến trình 10 nm, 2 năm sau khi công bố thế hệ vi xử lý đầu tiên dùng tiến trình 14 nm. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn bởi Intel đang đối mặt với rất nhiều thách thức công nghệ, đa phần là do trang thiết bị, khả năng tinh chế tiến trình hay tỉ lệ sản lượng chip. 80% là tỉ lệ mà mọi nhà sản xuất bán dẫn mong muốn nhưng cũng không thể tránh khỏi tỉ lệ lỗi. Để đạt sản lượng cao hơn thì các nhà sản xuất cần thu nhỏ đế chip và thông thường đối với các node mới hay kích thước die mới thì các nhà sản xuất như Intel sẽ ưu tiên sản xuất vi xử lý dành cho laptop bởi sản lượng sẽ tốt hơn so với desktop với cùng tỉ lệ khiếm khuyết bán dẫn.

Như vậy, với thế hệ vi xử lý sản xuất trên tiến trình 10 nm đầu tiên, Intel ưu tiên sản xuất các phiên bản CPU cỡ nhỏ cho laptop để đảm bảo sản lượng. Điều này lý giải tại sao ở tiến trình 10 nm (Cannon Lake) chỉ có CPU điện năng thấp (15 W) dành cho laptop trong khi các phiên bản lớn hơn với mức tiệu thụ cao (35 W trở lên) lại sử dụng tiến trình 14++ (Coffee Lake). Việc các phiên bản CPU cho desktop bị trói buộc ở tiến trình 14 nm lâu hơn sẽ cho Intel thêm thời gian để tinh chỉnh trước khi chuyển dịch hoàn toàn sang 10 nm.

Đứng ở khía cạnh sản xuất thì Intel vẫn đang sử dụng nhiều kỹ thuật in khắc trong tiến trình 14 nm và công nghệ in thạch bản tiếp theo được ngành công nghiệp hướng tới sẽ là EUV (Extreme Ultraviolet Lithography) – sử dụng bước sóng siêu cực tím. Intel được kỳ vọng sẽ là hãng đầu tiên khai thác công nghệ này và khả năng cao là vậy bởi EUV là công nghệ mới nhưng được xem là giúp đơn giản hóa tiến trình sản xuất. Nếu không dùng EUV, Intel sẽ phải đầu tư mạnh tay vào các kỹ thuật in mới, từ đó khiến giá thành sản xuất bị đội lên thêm và tăng thời gian xử lý tấm wafer, giảm sản lượng.

About

Check Also

Công nghệ nhận diện khuôn mặt

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp phát gạo trong 15 giây HÀ NỘINhờ nhận …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *