Nhóm nhà khoa học tại các viện trên hợp tác với hai nhóm của Mỹ và Đức, nghiên cứu kỹ thuật sử dung kháng thể để vô hiệu hóa một loại protein trên bề mặt của virus, khiến nó không thể bám vào tế bào người. Thông tin được nhóm công bố ngày 16/3.
Nhóm nghiên cứu đưa ra bằng chứng đầu tiên về việc kháng thể có thể ngăn chặn nCoV xâm nhiễm tế bào người. Kháng thể này có thể được sản xuất ở quy mô lớn bằng các quy trình sản xuất trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học.
Khác vaccine, kháng thể có tác dụng bảo vệ ngay lập tức mặc dù thời gian hiệu quả ngắn hơn. Ưu điểm của phương pháp này so với vaccine là bệnh nhân không cần tự sản xuất kháng thể. Nhân viên y tế hoặc những người có nguy cơ tiếp xúc với virus sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ hiệu quả nhanh chóng của kháng thể.
Giáo sư Xavier Saelens, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 này là kết quả tinh thần đồng đội tuyệt vời của các thành viên nhóm nghiên cứu”.
Tiến sĩ Bert Schepens, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ: Tinh thần đồng đội tốt có ý nghĩa quan trọng trong thành công của nghiên cứu. Khoảnh khắc chúng tôi nhìn thấy virus bị trung hòa trong phòng thí nghiệm, vô cùng tuyệt vời”.
Các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng để tiến tới điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Những kết quả đầu tiên rất khả quan, nhóm cần thêm thời gian nghiên cứu để xác nhận toàn bộ tiềm năng của kháng thể chống nCoV.
Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để tạo ra vaccine khi các ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng mạnh. Ngày 16/3, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Công ty Công nghệ Sinh học Moderna cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19.
Tính đến sáng 17/3, Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp khi xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến 182.283 người nhiễm bệnh, 7.144 ca tử vong. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm nCoV đầu tiên như Benin, Greenland, Liberia, Somalia và Tanzania. Châu Âu trở thành tâm dịch toàn cầu.