VN Pharma tự thiết kế mẫu thuốc trị ung thư
“Ai thiết kế cũng được. Nếu lô hàng ở Việt Nam thì mình được quyền thiết kế lại về ngôn ngữ, nhận dạng thương hiệu…”, bị cáo Hùng khai.
Động thái này của HĐXX được đưa ra do “đây là vụ án rất phức tạp, còn nhiều nội dung cần được làm rõ…” nên quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tình tiết.
HĐXX gọi Nguyễn Minh Hùng, hỏi về 7,5 tỷ đồng chi hoa hồng cho các bác sĩ. “Đây là tiền chi cho việc bán hàng chứ không phải chi cho bác sĩ”, cựu Chủ tịch VN Pharma giữ nguyên lời khai như rất nhiều lần trước.
Bị tòa lưu ý “phải khai báo trung thực”, Hùng khẳng định: “Bị cáo cam kết lời khai của mình là trung thực. Tiền này chi cho việc marketing, ăn trưa, chi phí tiếp thị… không chi cho bác sĩ”.
Chủ tọa gọi Ngô Anh Quốc (Phó giám đốc VN Pharma) lên đối chất. Ông này nói “7,5 tỷ đồng chi cho bán hàng là chính xác”, trong khi tại cơ quan điều tra cho đây là tiền hoa hồng cho các bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc của VN Pharma, nộp các chứng cứ về việc này.
“Mẫu mã ai thiết kế cũng được. Nếu lô hàng ở Việt Nam thì mình được quyền thiết kế lại về ngôn ngữ, mẫu mã, nhận dạng thương hiệu. Nếu nhập từ nước ngoài thì được quyền thiết kế lại ở nước lưu hành”, Hùng giải thích thêm.Trả lời HĐXX về tờ hướng dẫn sử dụng thuốc H-Capita, Hùng cho biết do VN Pharma dịch lại và khẳng định có thể tự viết theo tiêu chuẩn; mẫu mã thuốc do VN Pharma thiết kế.
“Bị cáo hiểu thế nào khi xin giảm nhẹ hình phạt”, thành viên HĐXX – Thẩm phán Phạm Thị Duyên – hỏi. Hùng tỏ ra khá lúng túng, ấp úng.
“Đó là khi chấp nhận sai phạm, chỉ có mức án đã tuyên nặng thì mới xin giảm nhẹ”, nữ thẩm phán nói và đưa ra thắc mắc: “Từ giai đoạn điều tra cho đến truy tố, xét xử, bị cáo bị cáo buộc một loạt hành vi: chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ; dùng con dấu của công ty đã hết thời gian hoạt động tại Việt Nam; chỉ đạo nhân viên làm giả hợp đồng; thỏa thuận nâng khống giá thuốc… Tuy nhiên, sau khi sơ thẩm bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, không khiếu nại gì về những hành vi đã truy tố”.
Một lần nữa thẩm phán Duyên hỏi về 7,5 tỷ chi hoa hồng. Hùng thừa nhận nguồn gốc số tiền từ việc nâng khống giá thuốc – dòng tiền tăng thu nhập cho công ty.
Bị thẩm vấn về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc H-Capita, Hùng khẳng định đã đàm phán với bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Thương mại hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc của Công ty Helix Canada, sản xuất tại nhà máy Helix Canada. “Thư ký ghi rõ lời khai của Hùng”, chủ tọa lưu ý.
Trả lời tòa về việc có thẩm định các giấy tờ do Cường cung cấp, Hùng cho rằng, các giấy tờ này đều là bản gốc nên sau khi nhận được giao cho phòng nghiên cứu và phát triển của VN Pharma để làm hồ sơ.
“Căn cứ vào đâu bị cáo thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ thuốc”, thẩm phán tiếp tục hỏi. Hùng nói “không có căn cứ” và cho biết sau khi xây dựng xong hồ sơ đã yêu cầu nhân viên chuyển cho Cường để đưa cho nhà sản xuất.
“Bên nhà sản xuất có phản hồi cho các bị cáo sẽ sản xuất thuốc theo đúng tiêu chuẩn của VN Pharma không?”, tòa hỏi. Hùng cho biết, được Cường phản hồi.
Tuy nhiên, HĐXX khẳng định, không phải Cường phản hồi mà từ Helix Canada và thực tế công ty này lấy thuốc từ một công ty môi giới khác, tương tự như công ty của Cường. “Bị cáo biết tội của mình nên đâu kháng cáo kêu oan”, chủ tọa nhìn Hùng khá lâu, song bị cáo chỉ im lặng.
Ông này cho biết được Raymundo (người của Helix) ủy quyền và cung cấp con dấu, sau đó mới biết Công ty Helix phải xin phép hoạt động tại Việt Nam. Đó là lý do chênh lệch giữa thời gian ủy quyền và thời gian cấp phép.Liên quan giấy ủy quyền của Công ty Helix Canada cho Võ Mạnh Cường làm đại diện, cũng như giấy phép Bộ Y tế cấp cho công ty này tại Việt Nam, tòa thẩm vấn Cường.
“Một công ty chưa được cấp phép thì nhân danh gì ủy quyền cho bị cáo? Việc ủy quyền này có hợp pháp không?”, chủ tọa hỏi. Trong khi Cường tỏ vẻ ngần ngại, luật sư của bị cáo lập tức “xin có ý kiến”.
“Luật sư ngồi xuống, có ý kiến sau”, chủ tọa nói và yêu cầu bị cáo Cường trả lời.
“Là người làm ăn luôn tìm kiếm cơ hội kinh doanh và sau đó làm việc với ông Raymundo, bị cáo không rành về luật pháp. Ông Raymundo cung cấp giấy tờ cho bị cáo, cung cấp cho Bộ Y tế…”, Cường khai.
“Bị cáo lý giải gì khi con dấu Raymundo cung cấp, bị cơ quan điều tra xác định là con dấu giả”, chủ tọa hỏi. Cường lặp lại câu trả lời quen thuộc: “Bị cáo tin tưởng vào sự ủy quyền của Raymundo, nên không biết”.
Thẩm phán Phạm Thị Duyên hỏi Cường về kháng cáo kêu oan 4 hành vi bị cáo buộc: sử dụng giấy tờ giả do Raymundo cung cấp; môi giới cung cấp thuốc không rõ nguồn gốc về Việt Nam; thỏa thuận với Hùng nâng khống giá thuốc (trên 157 tỷ đồng); làm giả giấy tờ thanh toán.
Cường cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ thuốc do Hùng cung cấp là chuyển cho nhà sản xuất qua email, chứng cứ đã cung cấp cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận sau đó không chuyển lại cho Hùng.
Về việc nâng khống giá thuốc, Cường xác nhận “có thỏa thuận với Hùng” nhưng không được hưởng lợi, do được ủy quyền của Công ty Helix Canada – trong đó có điều khoản “tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng”.
Thư ký tòa một lần nữa được HĐXX lưu ý ghi rõ lời khai này vào biên bản.
Bị cáo Cường cũng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên làm giả giấy tờ thanh toán, từ 27 USD lên 75 USD, như cáo buộc nhưng cho rằng “làm theo mẫu do Raymundo cung cấp, không làm giả”.
“Bị cáo thừa nhận 2 trong 4 hành vi bị truy tố. Theo bị cáo, như vậy có đủ buộc tội không?”, tòa hỏi.
“Thẩm phán hỏi vậy giống như hỏi bị cáo ‘có muốn đi tù hay không’? Bị cáo khó trả lời lắm”, Cường đáp.
Thẩm phán quay xuống hỏi 8 bị cáo còn lại: “Ai thấy rằng hành vi của Hùng là đúng thì giơ tay?”, song tất cả đều im lặng.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Do đối tác không cung cấp đủ giấy tờ, Hùng chỉ đạo cấp dưới thuê người viết hồ sơ kỹ thuật thuốc, làm giả hợp đồng và chứng từ thanh toán để xin Cục quản lý Dược – Bộ Y tế cấp phép nhập lô hàng gần 9.300 hộp thuốc H-Capita.Theo bản án sơ thẩm, năm 2013, Hùng đặt mua thuốc H-Capita (trị ung thư) của Cường (Giám đốc Công ty Thương mại hàng hải quốc tế H&C) để cung cấp cho các bệnh viện tại Việt Nam. Cường sau đó đặt mua thuốc của Raymundo thương gia ở Philippines là đại diện cho Công ty Helix Canada. Cơ quan điều tra xác định đây là công ty ma, nhân vật Raymundo không có lai lịch rõ ràng.
Cục Quản lý dược sau đó phát hiện lô thuốc không đạt chất lượng, kết luận thuốc chứa 97% hoạt chất capecitabine – là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, “không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Bộ Y tế thanh tra VN Pharma niêm phong toàn bộ lô hàng.
Hồi tháng 8, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Hùng, Cường mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Toà kiến nghị VKSND Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của 3 cán bộ Cục quản lý dược Bộ Y tế, các bác sĩ nhận hoa hồng… nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý thành vụ án khác; đồng thời làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan trong vụ án để tránh lọt người lọt tội.
Bị cáo Hùng và một số đồng phạm có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Cường và hai bị cáo khác kêu oan, cho rằng không biết các giấy tờ được làm giả, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Sau phiên sơ thẩm, nhiều ý kiến cho rằng việc định tội danh lãnh đạo VN Pharma cùng đồng phạm chưa đúng, các bị cáo có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh – khung hình phạt cao hơn nhiều so với tội Buôn lậu.
Trước dư luận lên án sai phạm của các bị cáo trong việc nhập thuốc không rõ nguồn gốc, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thanh tra làm rõ mọi góc khuất của vụ án.
VKSND Cấp cao tại TP HCM sau đó đã lấy hồ sơ nghiên cứu và quyết định kháng nghị theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm hủy án điều tra làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án.
Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ hồi cuối tháng 9 đã đến Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và cấp giấy đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất. Cuộc thanh tra có thể kéo dài trong 60 ngày.
Quá trình xét xử phúc thẩm, luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra nhiều chứng cứ mới cho thấy Công ty Helix Canada được Bộ Y tế cấp phép đang hoạt động tại Việt Nam chứ không phải công ty ma. Raymundo cũng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam, song cơ quan điều tra chưa làm rõ nhân thân của người này.